Ca dao Việt Nam có câu: “Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Hẳn chùa Thiên Mụ từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Nơi này không chỉ yên tĩnh, là điểm đến lý tưởng cho phật tử thập phương. Bởi vậy, đối với nhiều người, chùa Thiên Mụ là chốn linh thiêng và đầy bí ẩn.
Trong những năm gần đây, các chùa (tự viện) trên cả nước đã và đang tổ chức lễ hằng thuận (hôn lễ ở chùa). “Hằng” có nghĩa là mãi mãi, thường còn, “thuận” là hòa thuận với ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ luôn luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, thương yêu nhau. Chùa Thiên Mụ (Hương Hòa, Thành Phố Huế – Thừa Thiên Huế) là ngôi chùa nổi tiếng với nghi thức này và nhận được sự tin tưởng của tín đồ Phật giáo.
Buổi lễ diễn ra ở chánh điện, có Hòa Thượng Thích Trí Tựu trực tiếp chứng đàn, quý phật tử đông đảo họ hàng, bạn bè hai bên góp mặt. Trước sự cầu nguyện gia hộ của quý thầy và toàn thể đạo tràng, hai đôi bạn trẻ đã kết duyên vợ chồng. Cả đạo tràng cùng cầu chúc tân lang tân nương “Sắt cầm hòa hợp – Loan phụng sum vầy – Bách niên giai lão”.
Phần nghi lễ tâm linh sẽ tạo nền tảng cho hai vợ chồng trẻ có đời sống hạnh phúc. Đôi bạn sẽ đối trước Tam Bảo đọc lời thệ nguyện yêu thương nhau trọn đời và hộ trì Chính pháp. Trong buổi lễ có các nghi thức tạ ơn cha mẹ, giao bái phu thê. Hẳn nhiều bạn trẻ chưa một lần trong đời rửa tay, rửa chân, dâng trà hay lễ lạy cha mẹ. Hôm nay, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn đỉnh lễ công ơn sinh thành, dưỡng dục của song thân, sám hối những tội lỗi làm cha mẹ buồn lòng, cùng nhau nguyện trọn đời hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Phu thê đỉnh lễ thể hiện bình đẳng, tôn trọng người bạn đời.
Tục lệ lễ thành hôn có nghi thức trao nhẫn cưới, là kỷ vật ngày trọng đại trong cuộc đời. Theo quan điểm của nhà Phật, chiếc nhẫn làm bằng vàng, hình khuyên tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn, là bảo vật quý giá, không thay đổi chất lượng và màu sắc. Chiếc nhẫn nhắc nhở đôi tân hôn phải thủy chung, không thay đổi trong tình cảm vợ chồng. Tên gọi của nó là “nhẫn”, nhắc nhở hai người luôn sống nhẫn nhịn, nhu hòa khi phải đối mặt với những nghịch cảnh, bất hòa trong đời sống hôn nhân.
Để tân lang, tân nương có thêm những hành trang trong cuộc sống, quý Thầy không quên nhắc nhở hai bạn trẻ phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ và làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo cùng xây dựng hạnh phúc gia đình theo tinh thần kinh Thiện Sinh.
Sau khi diễn ra các nghi thức của Lễ Hằng thuận sẽ là lễ Trai tăng (cùng lúc với bữa ăn của các vị sư). Sẽ có khoảng 50 vi sư trì chú an lành cho đôi tân lan tân nương và cầu chúc cho họ có một cuộc sống hạnh phúc và yêu thương nhau.
Đôi nét về chùa Thiên Mụ Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi khác là Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình thuộc địa phận phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng trong và đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô. Một biểu tưởng gắn với hình ảnh chùa Thiên Mụ chính là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Ngoài tháp Phước Nguyên, chùa Thiên Mụ còn có những công trình kiến trúc như điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm… cùng bia đá, chuông đồng. Thêm nữa, chùa còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử và nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật… hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ. Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, trang nghiêm và linh thiêng. |