Ngày 26.3 tới đây, tại trung tâm văn hóa nghệ thuật xã Nghĩa Phú (Cổ Lũy cô thôn) thuộc TP. Quảng Ngãi sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Quê hương – Đi để trở về”. Chương trình do Trường Kha Tibetan, Độ Film Media phối hợp tổ chức. Đồng hành với dự án là sự chung tay của hơn 30 ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên tập tham gia.
Chương trình nghệ thuật “Quê hương – Đi để trở về” là một phần trong chuỗi nghệ thuật lớn “Những hoá thân” do Trường Kha Tibetan ấp ủ nhiều năm và dày công thực hiện, sau thành công phần một tại sân khấu Trống Đồng. Ngay lập tức Trường Kha và ekip đã bay về Quảng Ngãi, thị sát địa điểm và hoàn tất các thủ tục. Anh mong ước chương trình nghệ thuật là một món quà dâng tặng cho quê cha đất tổ.
“Nhớ ơi, con đường đất, làng chài mùi hương biển
Đi xe thồ, rậm nẹt tiếng ồn pô
Trường Thọ – Phú Thọ, Nhật – Nguyệt đôi vầng. Tiễn biệt!
Miếu Bà – Dinh Ông. Hiên nhà mưa!” – Trường Kha
Với niềm tin các ca khúc mà Trường Kha cùng các ca sĩ biểu diễn sẽ hàm chứa nguồn năng lượng tích cực, giúp công chúng thỏa nhãn phần nghe nhìn và tâm hồn được thanh lọc, trầm tịnh qua những ca khúc tràn đầy chất thiền và nhân sinh quan cuộc sống.
Được biết, Trường Kha Tibetan chính là người con của đất Thu Xà. Tuổi thơ của anh đã tròn vẹn 18 năm đầy ắp những kỷ niệm hồn nhiên, trong trẻo tại Cổ Lũy Chiêm động.
Xa xứ vừa tròn 30 năm và nay đã thành danh ở Sài Gòn, nhưng trong tim anh luôn đau đáu nỗi lòng cùng quê hương Cổ Luỹ cô thôn. Vì miền đất ấy là một bầu trời rất riêng, khiến anh “chưa xa đã nhớ, chưa về đã thương”.
“Trăng vờn Lũy Cát, rằm tháng 7
Đá trống – Chuông – Trận, sân chùa trước
Ông Hổ về tu, Thổ – Thiên hiển
Trong vắt giọt trời khua thạch động
Thiền Lâm Tế Tịnh lễ khai kinh
Siêu độ âm linh, Phổ An làng!” – Trường Kha.
Có lẽ vì Cổ Lũy cô thôn là nơi tiên tổ của anh bao gồm cả người Hoa – người Việt. Tất cả đã chọn đây là chốn quê của mình, để các thế hệ được sinh ra, lớn lên và nằm lại khi giã từ kiếp sống.
Để chương trình được hoàn mỹ, Trường Kha còn sáng tác, tặng riêng cho quê hương mình khá nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng linh liêng. Qua đó, Trường Kha cũng trao gửi đến khán giả những thông điệp mà bản thân anh từng nếm trải. Đó là sự tri ân tạo hóa, hiếu đạo tiên tổ, yêu thương nhân thế, gìn giữ nếp sống gia phong thuần “ngộ”.
Chính vì thế, âm nhạc của Trường Kha là sự tổng hợp dung hòa những niềm vui tích cực của đời sống, hướng con người sống tốt, trân trọng hồn xưa nếp cũ, biết bao dung thôn làng và nhẹ nhàng với những con người lưu lại xứ nhà. Bên cạnh đó là những chiêm nghiệm sâu sắc về những đóng góp của người phụ nữ, những người mẹ quê vĩ đại.
“Nghĩa Phú chiều rơi cơn gió lồng
Sương nhòa quyện khói, ngát mênh mông
Dừa hát đong đưa, đôi thùng nước
Thôn nữ sàn sạt, gánh oằng thương” – Trường Kha
Lựa chọn Cổ Lũy cô thôn là điểm xuất phát cho lần dự án nghệ thuật số 2, cống hiến đến những vùng miền quê Việt, Trường Kha cho biết: “Cổ Lũy cô thôn từng là một quốc gia cổ thuộc Vương quốc Champa, là một trong 12 thắng cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Đây chính là thương cảng sầm uất, từng có những giao thương nhiều tộc người: Chăm – Hoa (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam) – Ma cao – Đại Cồ Việt – Đại Việt – Pháp... Thiết nghĩ, khó nơi nào có được sự ưu ái bởi thiên nhiên chỉ trên 1 trục thẳng chưa đầy 1 km, Cổ Lũy cô thôn địa danh hội đủ các yếu tố núi non, đồng bằng, làng thôn, sông hồ, lũy cát cùng biển lớn; tồn tại nhiều tích xưa chuyện cũ linh thiêng và huyền bí.
“Treo gương rủ bóng người soi
Tàn xưa Thương cảng Thu Sà hoải hoang
Tiên Sà Làng cũ đêm trời
Hiên nhà cầu khấn, bày mâm lễ Thần” – Trường Kha
Chương trình đã khơi tìm lại nhiều nét văn hóa lịch sử, sử liệu, hình ảnh xưa mà chưa truyền thông hay cơ quan nghiên cứu trước đó công bố. Là sự tích hợp quy tập bao chất xám để cống hiến với niềm tin một quê hương Việt phồn thịnh giàu đẹp. Cho bao thế hệ trẻ hiểu và thương quê hương hơn. Cho bao người, nhiều nơi biết đến để tham quan thưởng ngoạn, tạo tiền đề phát triển du lịch, kinh tế địa phương, đời sống người dân cũng phúc lạp cải thiện vì nơi này quá linh thiêng, năng lượng khó đâu sánh bằng.
“Niêm vào dòng sông chiếc ấn trời
Tuyệt đỉnh thanh tịnh Thảo Am yên
Xưa Ngài Pháp Hóa tìm Vô ngã
Đời ẩn thiền tu Phật tánh hiện!” – Trường Kha
Là một phật tử, Trường Kha mong muốn bản thân mình sẽ có nhiều cơ duyên, giúp công chúng kết nối thực tại – đời sống hoằng pháp vi hành bằng âm nhạc.
Trong đời người chúng ta không chỉ là những vật chất sẽ quyết định nhân cách. Chỉ có đức tin tâm linh mới là linh hồn của cảm xúc không thể vắng bóng tồn tại. Chính vì thế “Quê hương – Đi để trở về”giống như bổn phận và trách nhiệm mà Trường Kha được giao phó. Vì thế Trường Kha Tibetan rất vui khi được hân hạnh phục vụ bà con xứ Quảng.
Không chỉ có thế Trường Kha còn kêu gọi, mời rủ thêm người về ngưỡng nghiệm là thêm niềm tự hào và sự vinh hạnh cho quê hương. Cho đến hôm nay, đã có hơn 30 nghệ sĩ đóng góp cho chương trình cùng 60 nhân sự ekip hậu kì.
Toàn bộ doanh thu tịnh tài được các thân hữu, khách mời đóng góp trong chương trình lần này, sẽ được trao lại cho Nhà thờ Danh tộc Lê Xá (Hậu duệ vua Lê Dụ Tông) tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi để xây bờ tường hoàn thiện công trình tâm linh điểm gốc của Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Trường Kha tin tưởng với lực lượng hùng hậu chuyên nghiệp cùng chung tay, chuyến “trở về” lần này là sở nguyện. Qua đó Trường Kha cũng mong ước thật nhiều hạnh phúc đến với người dân mình, để trả món nợ ân tình mà anh đã nặng vương về miền Quảng Ngãi thân thương, đôn hậu.
“Lên xem Thành Hòn Yàng
Ngó về Thiên Mã Sơn
Kinh Giang, Sông Trà Khúc
Nhà Nhà Quán Thế Âm
Người Người A Di Đà
Tịnh Độ Quang Phổ Tây” – Trường Kha
P.V