Hát chầu văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ và khá kén chọn người nghe, đặc biệt là đối với giới trẻ. Hát chầu văn thường gắn với nghi thức hầu đồng – một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính nghi lễ đã được UNESCO vinh danh.
Hát chầu văn không chỉ kén chọn mỗi khán giả mà nó còn kén chọn chính người thể hiện nó. Và ở nghệ thuật hát chầu văn, có lẽ không ai là không biết tới người nghệ sĩ trẻ Hoài Thanh với giọng hát đầm ấm nhưng cũng đầy luyến láy, truyền cảm.
Nghệ sĩ chầu văn Hoài Thanh
Nghệ sĩ hát chầu văn Hoài Thanh sinh năm 1989 tại Thái Bình và gia đình anh không có ai làm nghệ thuật. Tuy nhiên, cảm thụ âm nhạc chầu văn từ tấm bé nên anh đã tự nghe và học. Và môn nghệ thuật đầu tiên anh học chính là hát chèo.
Chia sẻ về niềm đam mê cũng như cái duyên đưa anh đến với chầu văn thì Hoài Thanh chia sẻ: “Khi đang đi bộ đi dạo thì mình thấy nhà người khác mở đĩa chầu văn nghe chú Trọng Quỳnh – Khắc Tư hát hay và cuốn hút quá nên đã ngồi xổm bên lề đường để ngồi nghe. Sau đó về nhà Hoài Thanh đã tìm bằng được chiếc đĩa đó để nghe lại và bỗng nhiên mình học hát được theo. Sau đó khi đi học hát chèo đầu tiên thì nhân duyên cho Hoài Thanh có nhân duyên gặp thầy Thanh An (Nam Định) và đã theo thầy học hát văn một cách bài bản. Học hát chầu văn xong thì Hoài Thanh về công tác tại đoàn chèo Hà Nan.
BTC chia sẻ về đêm biểu diễn liveshow mang tên “Văn ca từ tâm” của Hoài Thanh vào ngày 3/10 tới đây
Trong thời gian đó thì Hoài Thanh vừa đi hát chầu văn, vừa học thổi sáo, đánh trống hát văn. Lúc đó may mắn được gặp các anh chị đi trước nên cũng có học hỏi được ít nhiều. Rồi vừa đi làm buổi sáng, đêm về thì vừa học hát chầu văn, thuộc lời, vừa đàn, đánh trống… Dần dần Hoài Thanh trau dồi được kinh nghiệm, kiến thức qua mỗi ngày. Còn giọng thì luyện hàng ngày, sự kiên trì đã dẫn đến những thành quả như ngày hôm nay. Và điều đặc biệt nhất mà Hoài Thanh luôn tự hào đó chính là tự học thuộc 36 giá văn, đánh được đàn, cầm được phách trong vòng 1 tháng. Đó là nỗ lực của chính bản thân và đam mê nghệ thuật mới thật sự thôi thúc Hoài Thanh hoàn tất được những điều cần thiết nhất trong nghệ thuật đặc biệt này”.
Bà Đàm Lan – Nhà nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
“Bản thân Hoài Thanh biết chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ, một hình thức sinh hoạt mang tính tâm linh và nó cần có một không gian trình diễn riêng biệt. Đặc biệt, thời gian gần đây, chầu văn đã được đưa lên sân khấu biểu diễn để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc dân gian của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Chính vì thế bản thân Hoài Thanh ngoài việc phát huy, lan tỏa loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng thì Hoài Thanh còn có trách nhiệm lớn hơn đó chính là mang nghệ thuật chầu văn cổ thổi hồn qua hơi thở, nhịp sống đương đại phù hợp với giới trẻ”.
Tổng đạo diễn Trần Vĩnh Thụy
Hoài Thanh cũng cho biết, giới trẻ bây giờ rất có đam mê tìm hiểu các nghệ thuật xưa của cha ông, quan trọng nhất là bản thân người truyền tải đó có thay đổi gì mới mẻ để phù hợp hơn với hoàn cảnh cũng như nhịp sống của giới trẻ hay không mà thôi. “Bản thân Hoài Thanh đã có một lượng fan riêng của mình, điều thú vị ở chỗ ngoài những các bác lớn tuổi còn có những bạn trẻ, có cả những bạn mới có mười mấy tuổi cũng có niềm yêu thích hát chầu văn. Bất cứ một buổi nào Hoài Thanh tham dự, các bạn đều tham gia, có mặt và lắng nghe rất chăm chú. Thậm chí có những bạn còn học hỏi, hát theo hay tự học cách gõ, so dây”.
Yêu chầu văn rồi, biết chầu văn rồi thì Hoài Thanh mới biết hát văn mới thật sự là khó, đòi hỏi lắm công phu. Với mỗi cung văn, đòi hỏi vừa hát giỏi, vừa có thể chơi nhạc khí hay phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt với các bài hát cho phù hợp với hoạt cảnh biểu diễn. Những câu văm, những nhịp điệu trầm bổng, vui tươi cũng vì thế mà được hòa quyện lại với nhau tạo nên một bức tranh muôn màu qua hơi thở từng bài hát.
Chia sẻ với phóng viên, nghệ sĩ Hoài Thanh cho biết với anh, điều hạnh phúc nhất ở nghề đó là cảm nhận được nét tài hoa, tinh tế của cha ông gửi gắm qua từng lời văn, điệu múa, hướng con người tới cái tâm thiện trong cuộc sống.
Yêu chầu văn là thế, sống vì chầu văn vì thế nhưng nghệ sĩ Hoài Thanh luôn trăn trở trong ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng nghệ sĩ Hoài Thanh đã quyết tâm tạo nên một liveshow riêng của mình vào ngày 3/10 tới đây mang tên: “Văn ca từ tâm” tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam để ngoài việc tri ân những khán giả ủng hộ anh suốt chặng đường nghệ thuật, anh còn muốn truyền tải tới các khán giả trẻ niềm đam mê, phát triển và bảo tồn một nét văn hóa độc đáo trong tinh thần con người Việt Nam.
Qua liveshow này, Hoài Thanh muốn phát huy hết những giá trị, tinh hoa của dân tộc thông qua các tiết mục hát chầu văn, ca trù, hát xẩm đặc sắc. Bên cạnh giọng hát ngọt ngào, tha thiết đầy cá tính của Hoài Thanh, một nghệ sỹ được nhiều khán giả nhận xét sinh ra là để hát chầu văn, liveshow “Văn ca từ tâm” còn có sự góp mặt của các giọng ca gạo cội, đang rất được yêu mến hiện nay như Nghệ nhân ưu tú Trọng Quỳnh; Nghệ nhân dân gian Thanh Long; Nghệ nhân hát xẩm Bạch Linh; Nghệ nhân ưu tú: Đào Nương Thu Hằng với các tiết mục ca trù, hát xẩm đặc biệt hấp dẫn. “Quan trọng nhất là đêm nhạc không bán vé, nên khán giả có thể đến Trung tâm nghệ thuật văn hóa tỉnh Hà Nam để có thể trực tiếp nghe và xem Hoài Thanh biểu diễn cũng như hiểu hơn về nghệ thuật hát chầu văn này” – Hoài Thanh cho hay.
Trải qua quá nhiều những thăng trầm lịch sử, nghệ thuật hát chầu văn đã và đang được khán giả cũng như các cơ quan chức năng quan tâm, bảo tồn ở Việt Nam, đặc biệt sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phong cách hát chầu văn của nghệ sĩ Hoài Thanh được đông đảo khán giả từ người lớn tuổi cho tới giới trẻ đặc biệt yêu mến vì ngoài giọng ca tự nhiên, cuốn hút, anh còn hát chầu văn với cả một tâm hồn, một niềm đam mê như ngọn lửa cứ cháy bỏng mãi xuyên suốt qua từng lớp lớp thời gian để mọi người cùng cảm nhận nét đẹp văn hóa và tinh hoa của hát chầu văn – di sản của nhân loại mãi trường tồn.
Nghệ sĩ Hoài Thanh đã và đang không ngừng góp phần gìn giữ, bảo tồn những điệu hát văn cũng như lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới cộng đồng, để những làn điệu truyền thống không bị mai một theo dòng chảy của cuộc sống.
Link nghệ sĩ Hoài Thanh hát chầu văn tặng khá giả trong họp báo:
Hoàng Anh