Chỉ với món bánh chuối nếp nướng quen thuộc nhưng qua bàn tay khéo léo của mình, cô Ngô Thị Bích Thủy đã biến nó trở thành món ăn đường phố ngon nhất được vinh danh tại Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới tổ chức ở Singapore năm 2013.
Hơn 10 năm qua, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một người phụ nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, quấn khăn rằn và đi guốc mộc bán chuối nếp nướng trên vỉa hè đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Người đó chính là cô Út Lúa ( tên gọi thân mật của cô Ngô Thị Bích Thủy, 63 tuổi) – người bán rong nâng tầm bánh quê Việt.
Quá khứ truân chuyên của “tiểu thư Sài Gòn”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có bậc nhất Sài Gòn nên ngay từ nhỏ cô Út Lúa đã là “tiểu thư” quen với cuộc sống sung túc, đủ đầy. Cô từng theo học cấp 3 tại trường THPT Marie Curie và Đại học Kiến Trúc TP.HCM. Những tưởng cô Út sẽ theo đuổi con đường mà ba mẹ định hướng nhưng ngay khi vừa bước vào năm nhất đại học, cô lại đòi “đi lấy chồng”. Quyết định này đương nhiên không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình.
“Ba mẹ tôi phản đối vì sợ con cái tuổi này lấy chồng sẽ khổ, nhất quyết ngăn cản rồi giận, sau đó thì vẫn để tôi theo chồng nhưng với điều kiện tôi phải ra đi với hai bàn tay trắng. Về nhà chồng, tôi cũng không nhận được sự yêu thương hay giúp đỡ từ ai, nói chung là bị hắt hủi. Tôi cứ tưởng mình có chồng, có con thì sợ gì khổ, nhưng ai ngờ, chồng tôi lại bội bạc, rượu chè rồi thêm tính vũ phu nên mấy năm sau hai vợ chồng đã ly hôn” – cô Út tâm sự.
Dù một thân một mình và trở thành mẹ đơn thân ngay từ khi còn trẻ nên cô gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với tính tình chịu thương chịu khó, không ngại cực khổ, cô Út quyết định đẩy xe để bán bánh chuối nếp nướng trên đường Phan Đăng Lưu (TP.HCM) để kiếm tiền nuôi con ăn học. Khi nhìn lại thời gian cơ cực đó, cô Út rưng rưng nước mắt, không kìm được xúc động: “Buôn bán ngoài trời, ngày đêm mưa gió đâu thể tránh khỏi, nhưng cũng cố gắng. Hai mẹ con lúc đó phải ở tạm trong cái chòi vỏn vẹn 8m2, dựng tạm trên đất của người khác. Có những ngày bán không được, tôi và con lại phải “ăn bánh trừ cơm”. Dù nghèo thật, khổ thật, nhưng tôi vẫn luôn quyết tâm và giữ niềm tin rằng, nếu mình cố gắng thì sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Người làm chuối nếp nướng ngon nhất thế giới
Chỉ sau vài tháng buôn bán, món bánh quê dân dã của cô Út nhanh chóng nhận được sự yêu thương từ khách hàng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Chia sẻ về cái duyên với bánh chuối nếp nướng, cô Út cho biết đây là món bánh gia truyền của gia đình chồng. Nhưng để có được hương vị đặc biệt như thời điểm hiện tại, cô cũng tìm tòi, sáng tạo, điều chỉnh công thức, hương vị cho phù hợp và thơm ngon hơn.
Dần dần, món chuối nếp nướng thơm ngon mang thương hiệu Út Lúa đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người dân Sài Gòn và trở nên nổi tiếng. Năm 2013, cô Út Lúa bất ngờ nhận được lời mời sang Singapore tham dự Liên hoan ẩm thực đường phố thế giới của đầu bếp Võ Quốc. Với ước mơ được giới thiệu món Việt với bạn bè thế giới và mong muốn gìn giữ truyền thống ẩm thực, cô quyết định thử sức.
“Tất cả chi phí đều được BTC Liên hoan tài trợ nên tôi và mẹ chỉ cần lên danh sách nguyên liệu, vật dụng cần thiết để gửi sang cho họ là được. Trong 15 ngày cùng mẹ buôn bán trên đất khách, tôi rất tự hào khi món ăn của mẹ mình được nhiều người biết đến, nhận được lời khen từ phía thực khách quốc tế. Những giải thưởng mà mẹ tôi nhận được là niềm tự hào đối với tôi, đó là minh chứng cho sự cố gắng, công sức mà mẹ bỏ ra” – anh Nguyễn Thiên Kha – con trai cô Út chia sẻ cảm xúc trong hành trình cùng mẹ “mang bánh Việt ra thế giới”.
Trong 48 nước tham dự Liên hoan năm đó, món chuối nếp nướng của cô Út Lúa được trao giải món ăn đường phố ngon nhất, do chính tay cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain trao tặng kỷ niệm chương. Nhiều đài truyền hình lớn trên thế giới như CNN, BBC, RT,…đã đến gian hàng của dại diện Việt Nam để ghi hình trong suốt 15 ngày diễn ra liên hoan. Giá bán chỉ có 15.000 đồng/ phần khi ở Việt Nam nhưng qua Singapore, giá là 4,5 đô Sing, đắt hơn mấy chục lần. Vậy mà nó vẫn là món rất rẻ so với mặt bằng chung. Điều đó khiến thực khách quốc tế không khỏi bất ngờ và đặt câu hỏi vì sao với giá tiền đó, người Việt lại tạo nên món bánh thơm ngon độc đáo như vậy?
Giải thưởng mà cô Út đạt được tại Liên hoan năm đó đã giúp nhiều người biết đến món bánh chuối nếp nướng dân dã của miền Tây Nam Bộ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời cô Út Lúa. Từ một người bán rong trên vỉa hè trở thành người có món chuối nếp nướng ngon nhất thế giới. Cô Út đã mang món ăn của mình đến giới thiệu với bạn bè quốc tế, vinh danh món ăn Việt Nam.
Không chỉ thành công tại Liên hoan ẩm thực đường phố thế giới năm 2013 mà ở Liên hoan 2 năm sau đó (Trung Quốc năm 2014 và tại Philippines năm 2016), quầy chuối nếp nướng của cô Út cũng luôn đông khách và tiếp tục nhận được giải thưởng danh giá từ các chuyên gia ẩm thực trên thế giới.
Bí quyết thành công là cái Tâm
Khi được hỏi vì sao lại giữ nguyên hương vị truyền thống suốt hơn 20 năm buôn bán, cô Út nói: “Thứ nhất, tôi muốn giữ sự mộc mạc và hương vị nguyên thủy nhất của món ăn nên không cho thêm màu thực phẩm mà giữ màu nguyên thủy của nếp, của chuối. Thứ hai, việc sử dụng màu thực phẩm thì không hề tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên tôi không muốn. Khi kinh doanh thì điều đầu tiên là phải suy nghĩ nó có tốt cho sức khỏe khách hàng hay không? Giá cả có cao, nguồn hàng khan hiếm cỡ nào cũng vậy, cũng không thể giảm chất lượng. Muốn khách hàng quay lại thưởng thức món ăn của mình nhiều lần hơn, anh phải bán hàng bằng cả cái Tâm. Theo tôi, bí quyết thành công của tôi là sống chân thật, làm bằng cả cái Tâm, hết lòng với nghề”.
Để tạo nên món ăn đặc biệt được thế giới ngợi ca, mỗi ngày cô Út phải thức từ 3 giờ sáng để chuẩn bị. Về nguồn hàng và nguyên liệu, chuối được sử dụng phải là loại chuối xiêm Mỹ Tho ngọt thanh, mỏng vỏ, ruột vàng ươm, dù giá thành cao. Nếu giá thị trường chuối Mỹ Tho có giá khoảng 12.000 đồng/nải thì chuối miền Đông chỉ có 4000 -5000 đồng/nải, dù rẻ hơn nhưng chất lượng không đạt thì cô Út không chọn. Dừa thì phải là dừa chính gốc Bến Tre, đó là loại dừa ngon nhất, mang hương vị béo bùi đặc biệt. Về phần nếp cuộn bên ngoài thì được trộn theo công thức: nếp ngon với nước dừa trong, nước cốt dừa, xác dừa trắng. Làm như vậy sẽ giúp vỏ bánh trong dẻo, ngoài giòn. Cuối cùng là phần nước sốt ăn kèm, cô nấu nước lá dứa, sau đó dùng nước đó để vắt cốt dừa, bởi vậy nên nước cốt dừa thơm hơn, ngon hơn, vừa tự nhiên lại an toàn cho sức khỏe. Cô Út tuyệt nhiên không dùng bột thơm hay hóa chất để tạo mùi thơm. Theo cô, khi chú tâm và cẩn thận trong từng khâu, từng chi tiết thì món ăn mình sẽ ngon và đặc biệt hơn.
“Cho dù bây giờ tôi có nhà lầu, xe hơi thì tôi cũng chỉ là một người bình thường, vẫn nấu từng nồi nếp, quấn từng chiếc lá chuối, chuẩn bị kĩ các khâu để mang đến cho khách hàng món bánh ngon nhất”
__Cô Ngô Thị Bích Thủy__
Anh Trần Hồng Pháp, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho biết: “Tôi thường hay ghé qua mua chuối của cô Út. Là người miền Tây nên lâu lâu tôi lại thèm ăn món bánh dân dã này. Cũng ăn thử nhiều chỗ nhưng duy chỉ có chỗ cô Út Lúa là nhắc nhớ được hương vị tuổi thơ tôi hay ăn. Giá cả thì rẻ, phù hợp với sinh viên tụi tôi mà cô lại vui tính, dễ gần nên mỗi tuần tôi đều cùng bạn ghé qua”. Nổi tiếng từ chục năm trước nhưng cô Út Lúa không vì vậy mà tăng giá sản phẩm cao. Dù vất vả và không có lợi nhuận nhiều nhưng niềm vui khi nhận được lời khen từ thực khách khiến cô vui. Cô tin, chỉ khi nào mình bán đắt khách thì mới lời, chứ ế hàng thì sẽ lỗ.
Với giá chỉ 15.000 đồng/phần, món ăn của cô được nhiều người biết đến, từ học sinh, sinh viên, công nhân, người bán vé số đến nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng cũng từng ghé qua ăn. Họ cũng đã quen hương vị ngọt ngọt béo bùi của bánh và hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, tóc xỏa ngang vai, mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, đeo túi bàng, đi guốc mộc và được gọi bằng cái tên thân thương – Út Lúa. Những vật dụng truyền thống, mộc mạc đó đã gắn liền với cô trong suốt hơn 10 năm qua. Hình thành nên phong cách chân quê của cô. Đến tận bây giờ, những thứ đó trở thành vật bất li thân mà cô không thể nào quên khi đặt chân đến quán.
Vươn lên từ cái khổ nên cô Út khá đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ với mình. Khi có người khó khăn nhưng vẫn ghé ủng hộ bánh, người phụ nữ chân quê Út Lúa sẵn sàng mời họ ăn miễn phí. Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cô Út cũng là phẩm chất khiến khách hàng quí trọng và cảm phục.
Dù bận rộn với công việc nhưng cô Út vẫn mong mỏi có thể mở thêm cơ sở kinh doanh ở nước ngoài. Vì cô Út mong người dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài có cơ hội thưởng thức vị bánh quê hương cũng như bạn bè quốc tế biết đến món ăn Việt nhiều hơn, đưa nét đẹp ẩm thực Việt vươn xa ra thế giới.
Thành công nhờ sự cố gắng, nỗ lực, cô Út hiện đã có 4 cơ sở kinh doanh bánh chuối nếp nướng tại TP.HCM và một cơ sở ở Tây Nguyên. Cô và con trai cũng đã có được cuộc sống sung túc hơn, có nhà có xe và thu nhập ổn định. 4 cơ sở chuối nếp nướng Nam Bộ Út Lúa trung bình mỗi ngày bán hết 1.000 phần. Chưa trừ đi các chi phí, doanh thu mỗi tháng lên tới 450 triệu đồng. Chi nhánh Chuối Nướng Út Lúa:
1) 115 Phan Đăng Lưu, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
2) 226 Lý Chính Thắng, P.9, Quận 3, TP.HCM (gần vòng xoay Dân chủ)
3) K48 Hoàng Diệu, P.6, Quận 4, TP.HCM (gần chung cư H3, cầu Ông Lãnh)
4) 166 Nguyễn Xí, P.26, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Liên hệ: 0937 0937 30 (Mr.Kha)
|