Bước vào tuổi dậy thì, con có khả năng phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắng, khủng khoảng tâm lý hơn cả cha mẹ.
Tuổi dậy thì luôn khiến cho cả cha mẹ lẫn con cái cảm thấy âu lo
Áp lực học hành
Ở độ tuổi này, con bạn sẽ phải đối mặt với câu chuyện thành tích, thứ hạng, các dự án, bài tập về nhà, thi cử… Ngoài ra, kì thi chuyển cấp cũng khiến điểm số trở thành nỗi ám ảnh của con và chắc chắn điều này sẽ gây ra không ít ức chế thần kinh cho con bạn.
Áp lực thể chất
Tuổi dậy thì chứng kiến rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Do còn nhiều mới mẻ và biến động nên con bạn càng dễ cảm thấy bối rối hơn. Con không biết rõ điều đang xảy đến với cơ thể mình và sẽ có khả năng lâm vào khủng hoảng, mệt mỏi.
Áp lực xã hội
Tâm lý phải “bằng bạn, bằng bè” sẽ khiến con cảm thấy ngộp thở. Ở giai đoạn này, suy nghĩ, hành xử của con cũng thường tập trung vào bạn bè, xem nhẹ gia đình hơn và con rất dễ bị lôi kéo vào những thói hư, tật xấu nếu không tìm ra cách giải tỏa đúng đắn.
Áp lực gia đình
Các thành viên trong gia đình, ví dụ như anh chị em hay chính cha mẹ cũng có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực. Đôi khi, chỉ vì vài bất đồng nhỏ, con bạn cũng có thể cáu gắt, bực tức hơn bình thường.
Áp lực tài chính
Những tưởng đây là điều mà chỉ người lớn mới phải lo lắng nhưng thực chất, con bạn có thể cũng đang phải suy tính thiệt hơn rất kĩ càng. Do đó, cha mẹ nên chú ý không để những chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” và đặc biệt là chuyện học phí ảnh hưởng đến con cũng như không đem tiền ra để kể công, kể khổ với con.
Tổn thương tâm lý
Tai nạn, ốm đau, bị lạm dụng, bị cô lập… tất cả đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con và tạo ra những vết thương khó có thể chữa lành. Cách duy nhất để bảo vệ con là cha mẹ cần để mắt đến con để kịp thời chia sẻ, giải quyết cùng con.
Theo Dân Trí