Bảy năm qua, năm nào đến hẹn lại lên tôi cũng được nghe Phan Đăng Di than thở chuyện tiền nong thiếu thốn cho việc tổ chức hoạt động điện ảnh thường niên Gặp gỡ mùa thu (GGMT), có khi nghe than nhức đầu quá, tôi lại đi cầu cứu nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và rồi, tiếp tục… nghe than. Nhưng rồi sao? Có gì khác sau mỗi năm không? Có đấy!
Những lời than thở không bớt đi, nhưng câu chuyện thì dài ra, bởi vì từ GGMT đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được thành hình hài. Và đi đến các liên hoan phim trên thế giới. Và năm thứ bảy này có gì đặc biệt? Chả có gì đặc biệt hơn cả. Chỉ là tình cờ, vào năm thứ bảy này, tôi chợt nghĩ vu vơ đến một thế hệ điện ảnh mới. Giải thích sao nhỉ? Như là thế hệ điện ảnh thứ 5, hay 6 của Trung Quốc sao? Không! Quá cũ kỹ. Một “làn sóng” như là làn sóng mới của Pháp (French New wave) sao? Không! Trần Anh Hùng nói đúng lắm, bây giờ ở Pháp người ta gọi đó là French “old” wave rồi. Vậy thì là gì? Hay chỉ cần nói đơn giản, đó là một thứ tinh thần, một thứ tinh thần mà chúng ta – tất cả những người yêu điện ảnh – vẫn đang theo đuổi. Được không?
* Chào chủ tịch Phan Đăng Di, cho phép tôi gọi anh là chủ tịch cho hết mùa thu này nhé. Nghe ngóng hành lang cho hay, năm nay có phải là năm cuối cùng chương trình điện ảnh thường niên GGMT được tổ chức ở Đà Nẵng?
– Thực ra ý định này đã manh nha mấy năm nay rồi, vì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Năm nào cũng thế, lúc tổ chức thì vui được mấy ngày nhưng về tới cũng mệt mỏi vì cái chuyện muôn thuở là…. thiếu tiền. Rồi cứ mỗi năm quay trở lại thì cũng là cái quy trình này, đi tìm tài trợ, vui vài hôm và lại mệt vì tiền. Quan trọng là, chúng tôi đều là những người làm phim, cứ vướng vào cái vòng luẩn quẩn này, nên rất nhiều phim chũng tôi muốn làm đã phải gác lại. Trong khi đó, tôi nhìn thấy được đây là thời điểm mà tất cả những người tham gia GGMT nên cùng làm tác phẩm với nhau. Mô hình này chúng tôi bắt đầu thể nghiệm vào năm nay, với phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa được chiếu trên HBO vào tối 10.11 năm nay. Đây là phim tôi làm đạo diễn, Bích Ngọc (nhà sản xuất, Phó chủ tịch GGMT Trần Thị Bích Ngọc – PV) làm sản xuất, nhưng có thể nói đây là một sản xuất của GGMT, với tất cả thành viên tham gia đều đến từ các lớp học GGMT: Diễn viên, thiết kế, phục trang…. Chúng tôi thấy mô hình này hay. Chúng tôi không thể cứ lo mãi cho GGMT như mọi năm nữa, chúng tôi không bỏ GGMT mà sẽ làm nó với quy mô gọn gàng hơn nên quyết định từ năm sau GGMT sẽ dời về Sài Gòn, giảm bớt chi phí, và trong lúc đó có đủ thời gian để chuẩn bị những dự án lớn hơn theo mô hình này, để tất cả những người tham gia vào GGMT có được cơ hội tham gia vào những dự án đó. Và đây là cách mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ quảng bá GGMT trong tương lai, GGMT không chỉ là nơi học hành nữa mà đồng thời tạo ra sản phẩm đi ra toàn cầu được.
Đạo diễn Trần Anh Hùng tham gia giảng dạy tại GGMT từ năm đầu tiên – Ảnh Ngọc Nick |
* Vậy còn cái tham vọng về một liên hoan phim (LHP) quốc tế tại thành phố biển, như Cannes, hay gần gũi hơn là Busan mà anh từng nói đến vào những ngày đầu tiên mới thành lập GGMT?
– Đúng là một trong những hình dung đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu làm GGMT là muốn nó trở thành LHP, và nó như là một giấc mơ của tất cả những người trong ban tổ chức. Chúng tôi là những người đi LHP quốc tế rất nhiều, và khi quan sát các LHP quốc tế, chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng rất phù hợp cho mô hình như vậy. Tuy nhiên, sau bảy năm thì tôi hiểu ra rằng, một số điều kiện làm LHP thì chúng tôi có được, như kết nối rộng rãi với tất cả các LHP lớn trên thế giới. Cannes, Berlin, Venice, Rotterdam…. đều từng có người về tham dự GGMT rồi, lại còn đảm nhận vị trí giám khảo phim hạng mục phim nghệ thuật. Sau bảy năm từng làm việc với các hệ thống LHP lớn, chúng tôi mới nhận ra, để giấc mơ trở thành hiện thực thì nội dung chỉ là phần nhỏ thôi, quan trọng nhưng không phải là quyết định. Cái quyết định đằng sau một LHP là làm sao để tổ chức một hệ thống vận hành bài bản, thời gian, công tác chuẩn bị và nhất là… tiền. Nó nằm ngoài khả năng của chúng tôi, nhất là tiền, vì chúng tôi lúc nào cũng thiếu tiền.
* Công nhận, vì bảy năm qua mỗi lần đến mùa GGMT tôi lại nghe thấy anh than thở chuyện… tiền nong!
– Đấy, năm nào tôi cũng lở miệng, Bích Ngọc thì sụt cân. Tôi là người không lo nghĩ nhiều mà năm nào hễ đến GGMT là mặt tôi đều có một nốt lở nào đó, có thể do hằng ngày có nhiều suy nghĩ căng thẳng song mình không nhận ra.
Ước mơ về một LHP, thực ra chúng ta cũng đã có LHP. Chúng tôi quan sát HANIFF, thấy HANIFF là một LHP hay đấy, có chất lượng nhất định trong việc tuyển phim, song có một thứ HANIFF vẫn chưa làm được là tạo ra kết nối, tạo nguồn tài năng. HANIFF có một nhược điểm là hai năm mới làm một lần và sau hai năm nếu mình không giữ lại kết nối thì nó sẽ mất đi, trong khi đó điện ảnh là một kết nối cần rất lâu dài. Cái đó lại là cái GGMT làm được suốt bao năm nay, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức thường niên, và chúng tôi luôn giữ quan hệ, không chỉ là đối tác hay bạn bè đến từ các LHP khác mà còn phải theo dõi các dự án đã trình bày ở GGMT xem nó phát triển được thế nào, thậm chí chúng tôi chia nhau đứng ra sản xuất cho những dự án đó hoặc đi tìm đầu tư. Quy trình này về dài lâu mới thấy được kết quả. Mà nó đã có kết quả rồi chứ, bằng chứng là trong bảy năm, cuối cùng đã có rất nhiều phim làm ra gắn logo của GGMT, GGMT là nơi đạo diễn đó học, là nơi đạo diễn đó được trao giải, là nơi mà dự án đó lần đầu được phát triển… Ví dụ mới đây nhất là Trần Thanh Huy được giải phim hay nhất ở Busan với Ròm. Mọi người bây giờ đã khá quen thuộc với GGMT, biết đó là một hoạt động điện ảnh khá quan trọng ở Việt Nam rồi. GGMT đã có những sản phẩm điện ảnh có tác động nhất định không chỉ đối với Việt Nam mà còn trong khu vực nữa.
Đạo diễn Phan Đăng Di: “Giới làm phim chúng tôi thì lúc nào chả…. nhục nhã vì tiền, vì đây là nghệ thuật tốn kém, đòi hỏi quá đông người làm, quy trình phức tạp. Điện ảnh có thể tạo ra danh giá, tiếng vang lớn nhưng kèm theo đó những áp lực về tiền bạc dễ dàng khiến người ta cay đắng” – Ảnh: Ngọc Nick |
* Nhắc đến đạo diễn Trần Thanh Huy, lúc nãy tôi ngồi với chị Trần Thị Bích Ngọc, vừa hay có cuộc điện thoại của Huy gọi đến bảo rằng… đợi bạn ấy nhận được tiền thưởng từ Busan, bạn ấy sẽ đóng góp cho GGMT năm nay đấy!
– Ôi, bạn Huy này làm việc… nên làm đó chứ! Bạn ấy được ban tổ chức mời tham gia lớp đạo diễn của thầy Trần Anh Hùng năm đầu tiên, và dự án Ròm được phát triển từ đấy. Vì được mời nên tất nhiên là ban tổ chức đã lo tất tần tật chi phí đi lại, ăn ở… Ba năm liên tiếp sau bạn ấy vẫn tiếp tục quay lại học lớp đạo diễn, tất nhiên lần này phải tự đóng phí, và lần nào kết thúc khóa học bạn ấy cũng không đóng phí, xong năm sau tiếp tục… quay lại học. Thật là có tố chất của một đạo diễn mà! (cười). Chúng tôi biết chuyện đó và lơ đi. Cuối cùng thì dự án thành phim. Trong quá trình thành phim thì có rất nhiều đóng góp của thầy Trần Anh Hùng, tư vấn, dựng phim, hai thầy trò làm việc rất lâu. Nó thật sự là một gắn bó, một cam kết lâu dài của chương trình và những người làm phim. Nên lần này mà bạn ấy quyên tiền cho GGMT thì coi như là… đóng học phí chứ nhỉ? (cười).
Ngoài Ròm ra thì chúng tôi có Người vợ ba, là dự án được trao giải dự án nghệ thuật xuất sắc nhất năm 2015. Rồi một dự án được trao giải năm 2016 của một đạo diễn trẻ người Singapore cuối cùng đã thành phim và thắng giải Báo vàng – giải cao nhất của LHP Locarno 2018… Và còn nhiều dự án phim dài lẫn phim ngắn khác đã đi khắp các LHP phim thế giới, cũng như một số dự án vẫn đang trong quá trình thành phim.
* Với quan hệ của anh cùng thành quả nhìn thấy được của GGMT, chương trình của chúng ta đã có một sự kết nối với bạn bè LHP quốc tế rất tốt rồi, song ở quê nhà thì hình như kết nối ấy vẫn đang còn lỏng lẻo? Bằng chứng là chúng ta vẫn ngồi đây và nói về việc khó khăn trong khoản đi tìm tài trợ….
– Tôi thì không nghĩ kết nối đó lỏng lẻo. Vì thực tế chúng tôi tồn tại được đến nay là cũng nhờ vào sự giúp đỡ của rất nhiều nhà tài trợ, những doanh nghiệp điện ảnh truyền hình trong nước, hoặc thậm chí từ những công ty không liên quan đến điện ảnh như công ty xử lý rác thải Đa Phước chẳng hạn. Năm nay thì chúng tôi nhận được hỗ trợ rất quan trọng của truyền hình K+, cùng nhau phát triển các tài năng trẻ và điện ảnh Việt Nam. Đó là những khoản hỗ trợ ngay lập tức bằng tiền mặt, nó có ý nghĩa rất lớn cho việc sắp xếp công tác tổ chức. Rồi địa điểm tổ chức đêm bế mạc đã có Sheraton Đà Nẵng hỗ trợ, sự kiện quan trọng pitching và hội thảo là bên phía Golden Bay. Ngoài ra thì hằng năm chúng tôi vẫn nhận được giúp đỡ từ các sứ quán, các quỹ, trung tâm văn hóa… Năm nay thêm nhiều cá nhân đặc biệt và các học viên cũ của GGMT. Nếu không có tiền, chúng tôi chắc chắn không cách gì duy trì được đến ngày hôm nay. Nhưng cũng cần nói thật, chúng tôi bắt đầu mệt mỏi. Vì mỗi năm quy trình xin tài trợ lại bắt đầu lại từ đầu. Tôi và Ngọc còn phải làm phim nữa, chúng tôi muốn là có thời gian để mình bắt đầu làm ra sản phẩm, vì sản phẩm đó không phải là sản phẩm riêng của chúng tôi mà như đã nói, đó là sản phẩm mang dấu ấn GGMT.
Các học viên của chương trình GGMT – Ảnh Ngọc Nick |
* Thế là, ước mơ dù có đẹp bao nhiêu, nghệ thuật có lấp lánh thế nào thì vẫn không thoát ra khỏi tiền, đúng không ạ?
– Nói chung là không có gì trên đời này có thể tách ra khỏi tiền, đặc biệt là thế giới phim ảnh, luôn bị ám ảnh bới tiền, ngay cả khi mình làm những phim kinh phí không cao. Giới làm phim chúng tôi thì lúc nào chả…. nhục nhã vì tiền, vì đây là nghệ thuật tốn kém, đòi hỏi quá đông người làm, quy trình phức tạp. Điện ảnh có thể tạo ra danh giá, tiếng vang lớn nhưng kèm theo đó những áp lực về tiền bạc dễ dàng khiến người ta cay đắng. Ở GGMT, chúng tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ đến đây học, đặc biệt là các bạn đạo diễn, rằng, chúng ta phải luôn cẩn thận với tiền. Phải khôn ngoan như thế nào để lấy được tiền về, nhưng cũng phải cẩn thận để không bị… tiền đè cho chết. Cố gắng không bị nhục nhã vì tiền, hoặc nếu nhục nhã về nó thì nhục nhã thế nào cho có tính hiệu quả.
* Anh có nghĩ là điện ảnh Việt Nam mình nói chung và GGMT sau bảy năm vận hành nói riêng, chúng ta đã dám nói rằng, chúng ta có một thế hệ các nhà làm phim mới chưa? Một “làn sóng” như các làn sóng điện ảnh trên thế giới chẳng hạn?
– Đây là cơ hội lớn đầu tiên để chúng ta có một “làn sóng”. Tại sao tôi nói vậy? Vì trước đó quy trình sản xuất ở Việt Nam còn quá nhiều ràng buộc. Đó là hệ thống của nhà nước, chịu sự chỉ đạo và chi phối theo kế hoạch, có những ràng buộc nhất định, nên điện ảnh rất khó có được phong cách trong bộ máy như vậy. GGMT ra đời trong thời điểm mà điện ảnh nước nhà đã mở của cho tư nhân khá lâu rồi, và việc anh có thể tự đi kiếm tài chính để làm phim của anh là việc được pháp luật bảo vệ. Tất cả điều kiện cần đã ở sẵn đấy. Sau một thời gian dài điện ảnh Việt Nam hoàn toàn vô danh trên thế giới thì đã có một lớp đạo diễn trẻ hiện đại hơn, không phụ thuộc vào hệ thống cũ kỹ, lại không kêu ca, còn có ngoại ngữ, họ hoàn toàn kết nối được với thế giới, tự tin đi tìm cơ hội. Ngoài ra, họ còn có những lựa chọn cá nhân trong nghệ thuật. Tôi nghĩ, chúng ta đã có những gương mặt tiêu biểu về người đạo diễn có tính cá nhân và phong cách rồi, vấn đề hiện tại là làm sao để đẩy mạnh, có những chính sách cực kỳ thông minh để hỗ trợ họ, thậm chí những người làm phim phải có được sự hi sinh, nếu mà mình đã không làm được gì nữa, hoặc sáng tạo không còn mới nữa, thì ta nên chấp nhận bước qua một bên, đứng đằng sau đẩy những người tài lên trước. Dùng hết tất cả nguồn lực có hạn! Bởi chính họ mới là những người có được tiếng nói thú vị cho điện ảnh Việt Nam. Thực ra chúng ta bắt đầu có tiếng nói thật, vì trong mười năm trở lại đây chúng ta đã có những phim xuất hiện ở các LHP quan trọng rồi, sự xuất hiện trở nên thường xuyên hơn. Những gương mặt có thể đi xa, ngoài tài năng bẩm sinh, họ còn có nội lực manh. Theo quan sát của cá nhận tôi là một người đi nhiều LHP lớn, đến được nhiều nước, cái nội lực mà tôi muốn nói đến thật sự hiếm có. Thậm chí chúng ta có thể tự tin nói, mình đang có những gương mặt tài năng trẻ, có những hứa hẹn và quyết tâm mạnh hơn hẳn một số nền điện ảnh phát triển khác cùng trong khu vực.
Cùng với đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đã gắn bó với GGMT suốt 7 năm qua trong vai trò Phó chủ tịch – Ảnh: Ngọc Nick |
* Nhưng mà, điện ảnh có quan trọng đến thế không? Để chúng ta buộc người này phải hi sinh cho người kia?
– Thực ra tất cả các nước muốn điện ảnh phát triển, họ phải biết được cái gì là quan trọng. Trong đó sự hi sinh cá nhân mình đi là cần thiết, bởi vì nếu không, cái sự chán nản trong môi trường văn hóa Việt Nam sẽ cứ lặp lại hoài, đấy là mọi người cứ cản đường nhau, mọi người không chịu dừng lại để người mạnh hơn đi lên. Đối với tôi, một dân tộc cứ níu kéo nhau ở lại trong một không gian rất hẹp, tôi thấy coi thường. Trong môi trường cạnh tranh, mình thấy ai giỏi thì mình phải đẩy lên, chỉ khi làm vậy, nền điện ảnh mới có được sự xuất hiện đàng hoàng, không thì sẽ ở mãi trong trạng thái không ai biết. Mà chúng ta đã ở trong trạng thái không ai biết khá lâu rồi, đôi khi mình tự nói với nhau nền điện ảnh Việt Nam quan trọng, vậy mà so cả các nước trong khu vực thì nền điện ảnh của mình cũng chả nổi bật hơn ai. Đây là cái thời điểm mà chúng ta có những tài năng đặt ra vấn đề, làm thế nào để điện ảnh của chúng ta tạo ra được tiếng nói mạnh hơn.
Làm GGMT, tất nhiên, chúng tôi thấy mệt. Vẫn là vấn đề tiền bạc thôi. Nhưng cái chúng tôi thấy lớn hơn việc “thấy mệt” là những cái đáng để chúng ta phấn đấu, như đã nói, một sự xuất hiện đàng hoàng. Còn hơn chúng ta cứ nằm trong vũng lầy của chúng ta, ếch ngồi đáy giếng. Bảy năm qua, chưa là gì nhưng đã cho chúng tôi những hi vọng. Tất nhiên tôi đã bắt đầu già đi rồi, mệt mỏi rồi, đến lúc chúng tôi không còn muốn lo những việc thế này nữa, nhưng chi ít chúng ta cũng không thấy hối hận hay buồn bã gì, bởi vì mình không làm những gì phải làm, mình là người đi trước, mình đã cố gắng chỉ cho mọi người những gì cần làm để thoát khỏi trạng thái vô danh, ít nhất là cái chúng tôi có thể tự hào đã làm được.
* Tiền có phải là lý do mà sau những dự án đậm chất nghệ thuật, cuối cùng anh đã chịu làm phim thương mại?
– Thực ra lý do làm phim cho HBO thì đúng là chúng tôi đang bị nợ tiền thật, chúng tôi đã trả được kha khá nợ sau khi làm phim xong, cho nên năm nay không bị nợ nhiều nữa. Ngoài ra, làm phim với HBO họ cho mình tự do, chấp nhận kịch bản của mình, nên cũng ổn.
* Làm phim thương mại có cảm giác thế nào?
– Chẳng thế nào cả, phim nhỏ thôi, một tập trong một serie. Phim nghệ thuật hay phim thương mại thì cũng như nhau, đều có thú vị và ngớ ngẩn của nó. Từ lâu tôi đã thấy mình nên làm gì đó khiến mình vui là được. Theo đuổi nghệ thuật là điều gì đó rất riêng tư, khó khăn, có duyên thì mới theo đuổi được. Tôi sẵn sàng mở lòng cho những thứ tôi thích thú. Mình làm ra một cái phim cho mọi người xem dễ dàng, sến sến, vui vẻ thì nó cũng là niềm vui, niềm vui mang một hình thức khác. Quan trọng là ta làm cùng nhau. Nó vẫn là tinh thần mà mình đang theo đuổi. Cũng như làm GGMT, tôi không nghĩ đó là gì lớn lao. Mấy năm gần đầy phim của GGMT đi nhiều LHP quan trọng, logo GGMT xuất hiện nhiều nơi, các LHP châu Á cũng dần nhận mặt được GGMT rồi. Đó là một niềm vui, rất vui.
* Chúc mừng GGMT năm thứ bảy! Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Theo Thanh Niên