Album bao gồm 9 ca khúc, trong đó có 2 ca khúc đã được phát hành và thu hút hàng triệu view là “Để Mị nói cho mà nghe” và “Tứ Phủ“. Những ca khúc còn lại bao gồm: Khởi đầu, Duyên âm, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Lắm mối tối ngồi không, Kẽo cà kẽo kẹt, Kẻ cắp gặp bà già, Giải kết. Tất cả những bài hát trong album lần này đều mang đậm màu sắc văn hóa dân gian ngay từ tựa đề.
Lý giải về tên gọi của Album Hoàng, nữ ca sĩ chia sẻ đó chính là thông điệp, khẳng định cái tôi cá nhân cũng như sự ghi nhận của chính bản thân cô với những gì mình đã đạt được. Album cũng là sản phẩm đánh dấu kỷ niệm 10 năm ca hát đầy thăng trầm của Hoàng Thùy Linh, thế nên được cô dành rất nhiều tâm huyết cho sản phẩm lần này.
Hoàng Thùy Linh và stylist Hoàng Ku
Trả lời cho câu hỏi “Cứ phải cố gắng đưa văn hóa Việt vào âm nhạc, có áp lực quá không?”, Hoàng Thùy Linh cho biết cô nhận thức được mình đang cố gắng làm tốt những gì mình muốn làm chứ không phải cố gắng để làm màu mà không có nội hàm.
“Tôi luôn hiểu rõ Hoàng Thuỳ Linh không phải một nhà tuyên truyền văn hoá, nhưng là một nghệ sĩ Việt, tôi tự hào vì mình đang thổi những làn hơi văn hoá truyền thống vào thế giới của âm nhạc đương đại. Album này không hướng đến riêng một lứa khán giả cụ thể nào. Từ những bạn sinh viên mới chập chững trước ngưỡng cửa trưởng thành đến cả những người đã đi qua giông bão, đều sẽ tìm thấy sự tương đồng trong các ca khúc của Hoàng, cô chia sẻ.
Hoàng Thùy Linh nói với cô bây giờ, hoạt động âm nhạc quan trọng hơn mọi thứ. Cô không muốn yêu đương mà dồn sức công việc. “Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, tôi không có thời gian để dành cho bố mẹ, bạn bè và người yêu mà chỉ tập trung vào hoạt động ca hát, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thực sự chất lượng cho khán giả”.
Trước Album Hoàng, vào năm 2017, Hoàng Thùy Linh cũng phát hành một cuốn tự truyện mang tên Vàng Anh và Phượng Hoàng để chia sẻ nhiều câu chuyện về sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình.
Dạ Thảo – Ảnh Q.H